Vương triều Konbaung (1752–1885) Lịch_sử_Myanmar

Bài chi tiết: Triều Konbaung

Giữa thế kỷ 18, một vương quốc Miện Điện mới xuất hiện là vương quốc Ava do Alaungpaya thành lập nên Triều đại Konbaung gọi là Đế chế Miến Điện thứ ba vào khoảng thập niên 1700 tại khu vực ngày nay là Mandalay. Nó từng bước mở rộng kiểm soát trên nhiều vùng đất bây giờ là Myanma, gồm cả việc chinh phục các nhà nước ở vùng đồi núi của người Shan. Myanma trở thành một cường quốc khu vực đáng kể, tranh giành lãnh thổ và dân cư với vương quốc Ayuthaya của người Thái. Cuộc cạnh tranh giữa người Myanma và người Thái gay gắt và ác liệt. Năm 1767, Myanma đã đủ mạnh để phái một đạo quân tiến đánh thủ đô Ayuthaya của người Thái. Thủ đô này đã bị cướp phá, của cải bị cướp bóc, hàng vạn người Thái bị bắt và bị đem về Myanma làm nô lệ; vương quốc Ayuthaya sụp đổ.

Nhà Thanh (Trung Quốc) lo ngại sự lớn mạnh của Myanma, đã bốn lần xâm lược nước này trong khoảng thời gian từ 1766 đến 1769 nhưng không lần nào thành công. Tuy nhiên, chiến tranh với Thanh đã khiến Myanma phải giảm áp lực đối với Ayutthaya và rồi đánh mất quyền kiểm soát với nước này. Tuy nhiên triều Konbaung đã chiếm thêm được Mrauk U và Tenasserim.

Vào cuối thế kỷ 18, Myanma là một nước hùng mạnh nhất ở lục địa Đông Nam Á, một phần do sự giảm sút tại vương quốc của người Thái phải đang khôi phục sau sự suy tàn của Ayuthaya và vương quốc của người Việt đang bị nội chiến. Tuy nhiên tới đầu thế kỷ 19, vương quốc Thái và Việt Nam hưng thịnh lên, trong khi vương quốc Miến Điện bị suy tàn, tầng lớp quý tộc của Myanma hướng về bên trong hơn là hướng về các đối tác của họ là Thái và Việt Nam và ít có quan hệ thương mại với thế giới bên ngoài. Khi người Anh gia tăng sự hiện diện của họ ở vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 19, thì tầng lớp quý tộc Miến Điện tỏ ra ít có khả năng đánh giá mối đe dọa đối với họ như người Thái và vì vậy càng ít có khả năng để đưa ra những chiến lược đối phó.